Chùa Thiên Hưng được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất tại Bình Định. Không quá nguy nga hoành tráng hay cổ kính qua hàng nghìn năm, Thiên Hưng tự nổi tiếng vì đây là nơi lưu giữ Ngọc Xá Lợi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Người đời tin rằng, nơi nào có Ngọc Xá Lợi là nơi đó như có sự hiện của chính Phật tổ để ban phúc độ trì cho chúng sinh. Không chỉ có vậy, vị trụ trì của chùa – đại đức Thích Đồng Ngộ dù rất trẻ tuổi nhưng lại làm nhiều người kính nể bởi sự am tường phong thủy, tích cực trong các công việc hoằng pháp và từ thiện. Ngay cả các vị nguyên thủ Quốc gia cũng thường xuyên ghé thăm chùa mỗi lần có dịp về Bình Định.
Thiên Hưng tự được xây dựng ở khu vực gần Đập Đá trên tuyến đường Quốc lộ 1, thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Vì thế khi có đoàn khách du lịch đi từ sân bay Phù Cát tới Quy Nhơn, họ thường được gợi ý dừng lại ghé qua chùa Thiên Hưng để vãn cảnh viếng chùa trước khi tiếp tục hành trình đến thành phố của xứ Nẫu. Mặc dù trận hỏa hoạn năm 2013 đã làm một số phần của chùa bị hư hại nhưng người dân và các đại sư đã tích cực trong việc phục hồi, sửa chữa, nâng cấp đem đến không gian chùa đẹp mắt và thanh bình như hiện nay.
Ấn tượng đầu tiên mà du khách có thể cảm nhận được khi đến với chùa Thiên Hưng chính là bức tranh đồng nội dung dị ở xung quanh chùa. Phía trước con đường dẫn lối vào cổng chùa ngợp màu lúa xanh đang mơn mởn lớn, trong cơn gió nhẹ khẽ lay động hệt như sóng biển đang nhấp nhô. Nếu đến chùa vào mùa gặt, du khách có cơ hội hít hà hương vị thơm lừng của lúa mới, ngắm cảnh lao động chăm chỉ của nông dân trên cánh đồng để yêu thêm tình người chân chất. Cây cầu nhỏ bắc qua hào nước đến chùa như một mảnh ghép điểm tô thêm vẻ đẹp yên ả nơi miền quê Bình Định.
Tuy chẳng quá hoành tráng như nhiều nơi khác như không gian ở chùa Thiên Hưng cũng tương đối rộng, lại có nhiều công trình chính phụ đan xen để du khách có thể tản mạn suốt buổi mà vẫn thấy thích. Những chậu cây cảnh được chăm sóc một cách công phu và tỉ mỉ được đặt trên các kệ đá hai bên chùa chắc chắn sẽ ‘mê hoặc’ những người thích nghệ thuật cây cảnh. Còn nếu đã ‘trót yêu’ sự tinh tế của kiến trúc Phật tự thì nhớ dừng chân ở khu nhà cổ, tháp chuông và quần thể chùa từ chánh điện đến thư viện.